Mấy hôm nay mệt mỏi và buồn bực, mình đã đánh Ben mặc dù vừa đánh vừa đau giùm cho con. Lúc đó chỉ muốn trút hết tức giận lên người con mà mình có biết đâu là đòn roi càng khiến cả 2 mẹ con cùng tổn thương nhiều lắm. Bình tĩnh tìm hiểu, mình vô tình đọc được lời khuyên của chuyên gia về 3 thời điểm bố mẹ tuyệt đối không đánh con. Gửi các mẹ cùng xem để kìm chế cơn “điên” không đáng có nhé.
Lúc trẻ chưa được 3 tuổi
Đối với các em nhỏ xíu như vậy mà dùng đòn roi thì thật tội nghiệp, nhưng nó không dừng lại ở đó. Mình đã từng lấy tay, chân đánh vào con khi cơn giận dữ bốc lên, cứ nghĩ làm con sợ thì sẽ hết nghịch phá.Nhưng các mẹ ạ, con chẳng hiểu gì đâu, chỉ biết khóc thôi, đã có tư duy nào mà hiểu ý muốn của chúng ta chứ?
Bác sĩ tâm lý Eriksson nói rằng, ở giai đoạn này trẻ mới bắt đầu vui chơi, biết khám phá xung quanh và tính tự chủ cũng được thể hiện mãnh liệt, vì thế hay tò mò, lục lọi. Nếu con có làm hư hỏng đồ đạc thì lỗi là do mình đấy, hãy cất những thứ nguy hiểm ra khỏi tầm tay bé.
Đặc biệt, trẻ đã biết bắt chước theo điệu bộ và giọng nói, hành động của mọi người bằng cách nhìn, nghe và ghi nhớ. Hãy nghĩ đến điều này trước khi bạn quyết định đánh con, la mắng con với những câu nói gây tổn thương bọn nhỏ.
Khi trẻ được hơn 6 tuổi
Hãy hạn chế việc dùng vũ lực với con khi chúng sau 6 tuổi. Tâm hồn các bé sẽ u ám cỡ nào khi suốt ngày ghi nhớ những hình ảnh giận dữ của bố mẹ và chúng thì chỉ biết ngồi co ro sợ hãi?
Theo các nhà nghiên cứu tâm lý học thì khi được 6 tuổi, bắt đầu đi học và tự lập về nhiều mặt, trẻ đã muốn thể hiện nỗ lực phấn đấu cho thế giới biết rằng mình đã lớn. Vì thế bất cứ tác động tiêu cực nào cũng sẽ khiến tinh thần con bị ảnh hưởng rất nhiều.
Và đôi khi bình tĩnh, mình ngồi suy nghĩ đến hậu quả mà sợ. Nghĩa là từ những trận đòn của mình mà có khi nào sau này con sẽ bị hình thành nhân cách xấu: xử lý mọi việc bằng nắm đấm, tức lên là đánh?
Khi con được 12 tuổi
Trẻ con không hiểu chuyện có thể tét cho vài cái nhẹ vào mông hoặc bàn tay. Chúng có thể quên ngay sau khi được mẹ ôm vào lòng, nựng mấy câu hoặc cho đi chơi, cho ăn bánh kẹo,… Nhưng trẻ sau 12 tuổi thì không như vậy đâu nhé.
Khi đó con đã nhận thức được bản thân là một cá thể độc lập, có cái tôi và thể diện riêng nên cần ở trong một môi trường tốt nhất. Những tổn thương về thể chất lẫn tinh thần đến từ sự bực dọc của bố mẹ sẽ ám ảnh theo con suốt đời.
Thực ra từ nhỏ mình cũng bị mẹ đánh rất nhiều, trong khi rõ ràng mẹ có chiều hướng thiên vị chị và em trai của mình. Mỗi khi tức giận mẹ đều nghĩ mình sai, hoặc có thể lúc đó mình nghĩ vậy. Những chuyện buồn đó cứ lặp lại trong suốt quãng đời thơ ấu của mình, nó là một vết sẹo mà bây giờ dù có yêu thương mẹ và các chị em cỡ nào thì mình vẫn không thể quên được.
Vậy nên bây giờ đối với con, mình sẽ rút kinh nghiệm từ bản thân. Mình sẽ yêu con theo cách nhẹ nhàng nhất, để con ngoan vì nó tự thấy điều đó cần, chứ không phải do ai ép nó ngoan cả.
Một chút trải lòng của mẹ thằng Ben sau vài ngày cảm thấy có lỗi vô cùng vì đã đánh con, la hét khiến con vừa đau vừa sợ, có cả giận dỗi dành cho mẹ nó. Hi vọng các bố mẹ cũng nghĩ đến cảm nhận của con trẻ mà không nổi nóng, đánh con nhé.