Các mẹ có gặp tình huống trẻ chậm nói và khó dạy cho con về ngôn ngữ không? Nhiều phụ huynh quan tâm đến chủ đề dạy trẻ chậm nói và mong muốn tìm được giải pháp khắc phục. Mình có nhặt được mấy chiêu này, đọc có vẻ hay và áp dụng cho đứa cháu bên chồng thành công lắm. Chị em có nhu cầu thì thử xem nhé!
Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói
Không phải đến tuổi trẻ biết nói thì chúng ta mới biết em bé nhà mình có chậm nói hay không. Chứng chậm nói có thể được phát hiện sớm, ngay từ khi trẻ sinh ra cho đến trên 2 tuổi. Minh sẽ phân tích theo từng giai đoạn:
– Trẻ sơ sinh: Từ khi sinh ra đến khoảng 3 tháng tuổi, bố mẹ để ý, nếu bé không có phản ứng gì với âm thanh hoặc không phát ra âm thanh nào thì đó là dấu hiệu chậm nói.
– 3 – 4 tháng tuổi: Bé ít cười, ít phát âm thanh, không biết giao tiếp bằng mắt.
– 4– 7 tháng tuổi: Bé chậm nói sẽ khó ngồi, không phản ứng với âm thanh xung quanh, không chơi với đồ vật.
– 7 – 12 tháng tuổi: Bé chưa bò được, đứng thẳng khó khăn, không biết sử dụng ngôn ngữ cơ thể.
– 12 – 24 tháng tuổi: Bé không thể lặp lại lời nói của người khác và không tự nói được. Bé không hiểu yêu cầu của người lớn, không thể phát âm đúng tối thiểu 6 từ.
– Trên 2 tuổi: Các triệu chứng chậm nói thể hiện rõ, bố mẹ cần đưa con đi khám.
Mách bạn 6 cách dạy trẻ chậm nói hiệu quả tại nhà
Tích cực nói chuyện với trẻ
Trong những tháng tuổi đầu đời, bố mẹ có thể nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ chậm nói. Lúc này, hãy tích cực trò chuyện cùng con mọi lúc mọi nơi. Bạn nên cố gắng mô tả cho bé những việc bạn đang làm và kích thích con bắt chước.
Sử dụng hình ảnh trực quan
Dạy trẻ chậm nói bằng hình ảnh là một trong những cách làm hiệu quả nhất. Ngoài việc giúp trẻ nhận biết sự vật thì cách này cũng hỗ trợ trẻ nhớ từ vựng, cách phát âm.
Trả lời các yêu cầu của bé mà bạn cảm nhận
Mặc dù không nói được nhưng nhiều trẻ có thể thể hiện ý muốn bằng biểu hiện riêng. Bố mẹ gần gũi con sẽ hiểu được hoặc đoán ý con để trả lời nhanh chóng. Đặc biệt khi trẻ nói được vài từ, bạn nên tiếp lời con, giúp bé làm quen với một câu nói dài.
Dùng ngôn ngữ đúng chuẩn
Nhiều người có thói quen sai lầm là bắt chước theo giọng điệu ngọng nghịu của con trẻ. Tuy nhiên đúng ra là bạn nên nói một cách chính xác những từ vựng cần, để bé học theo.
Cho bé tiếp xúc nhiều
Cho con nhỏ nói chuyện, vui chơi cùng bạn bè hoặc người lớn nhiều cũng tốt. Bé sẽ nhanh phát triển ngôn ngữ và hoạt động nhanh nhẹn hơn. Tuy nhiên mẹ nên lọc môi trường khi quyết định cho bé tiếp xúc. Tức là không phải ai cũng nên gần bé.
Hạn chế cho bé tiếp xúc thiết bị công nghệ
Thực tế cho thấy nhiều trẻ bị tự kỉ, hạn chế ngôn ngữ giao tiếp khi chơi điện thoại hoặc máy tính quá nhiều. Bạn nên tiết chế điều này, có thể hạn chế ở một khoảng thời gian nào đó. Thay vì dán mắt vào màn hình, trẻ cần được vui chơi bên ngoài và tâm sự với bố mẹ nhiều hơn.